Tư tưởng Jehuda Löw ben Becalel

Giai đoạn Jehuda Löw ben Becalel trong Lịch sử Do Thái giáo
Bia mộ Löw tại Nghĩa trang Do Thái Cổ, Praha

Nhiều tác phẩm triết học của Löw trở thành nền tảng hệ tư tưởng Do Thái;[18] và ông là tác giả của "một trong những hệ thống tư tưởng nguyên bản và sáng tạo nhất được người Do Thái Đông Âu phát triển."[16]

Các tác phẩm của Löw sử dụng thuật ngữ duy lý và các ý tưởng triết học kinh điển.[16] Ông ủng hộ nghiên cứu khoa học với điều kiện phải không có mâu thuẫn với mặc khải thiên thượng.[13] Về nhiều mặt, tác phẩm của Löw lại là phản ứng với truyền thống tư tưởng Do Thái duy lý thời trung cổ. Truyền thống này vốn ưu tiên phân tích một cách hệ thống các khái niệm triết học, đồng thời ngầm hạ cấp hình ảnh tươi màu và ad-hoc những bình giải của rabbi thời trước. Mục tiêu thường thấy của Löw là chứng minh các bình giải thời trước trên thực tế đã đầy sâu sắc về con người, thiên nhiên, sự thánh khiết và những chủ đề khác. Theo Löw, tuy văn chương rabbi cổ điển có quan điểm tư tưởng không liên hệ với nhau nhưng không hề lộn xộn, mà thể hiện ý nghĩa đa dạng có thể rút ra từ một ý tưởng hoặc khái niệm đơn nhất.[19]

Löw dùng các câu Kinh Thánh và truyền thống rabbi trong tác phẩm của mình. Nhưng thông qua phân tích văn học và khái niệm, ông phát triển chúng thành một hệ thống triết học toàn diện cùng với các thuật ngữ như:[19]

  • seder và nivdal ("trật tự" và "siêu việt") - bất kỳ cõi nào cũng có "trật tự" và bản chất tự nhiên, nhưng cũng có thể chứa các ngoại lệ hoàn toàn khác biệt về bản chất trong cõi ấy.
  • guf, nefesh, sechel ("vật thể", "sinh lực", "trí tuệ") - các cấp độ khác nhau của một thực tế tổng thể duy nhất. Guf (vật chất) bị giới hạn trong chiều không gian và có thể bị tác động lên nó. Nefesh không bị giới hạn, vừa có thể hành động vừa bị tác động. Sechel không bị giới hạn và chỉ có xu hướng bị tác động lên.
  • pail, nifal (hoạt động, bị tác động) - mô tả mối quan hệ giữa các cấp độ khác nhau của thực tế
  • yesodot, taarovot, tarkovot (cơ sở, hỗn hợp, kết hợp) - khi kết hợp các yếu tố khác nhau, kết quả có thể vẫn là các "cơ sở" riêng biệt, hoặc có liên hệ với nhau (hỗn hợp) hoặc tạo ra một thực thể hoàn toàn mới (sự kết hợp).
  • ribui, ahadut (sự đa dạng, thống nhất)

Ví dụ về thuật ngữ này là khi Löw dùng triết học giải thích về câu midrash: "Thế giới được tạo ra cho ba điều: challah, maaserbikkurim." [20] Theo Löw, bikkurim tượng trưng cho yesodot (giống như từng trái cây riêng lẻ), maaser tượng trưng cho taarovot (trái cây được gom chung và tách phần mười ra) còn challah tượng trưng cho tarkovot (từ các vật liệu riêng trộn với nhau được cục bột nhào mới).[21]

Thế giới quan của Löw cho rằng thực tế chỉ có một nguyên nhân đơn nhất, cũng như sự tồn tại đa dạng là bởi nguyên nhân của chúng. Thực tế không có chỗ cho sự ngẫu nhiên, nếu không thì sẽ mất đi tính toàn năng hoặc toàn tri trong Nguyên Khởi. Đối với Löw, bản chất thực tế từ một nguyên nhân hợp nhất cho thấy trật tự đạo đức tồn tại trên thế giới. Khoa học có thể mô tả các hiện tượng trên thế giới, nhưng không tạo ra được phẩm chất cái này cao hơn cái kia, những điều mang tính đạo đức như vậy phải đến từ trật tự cao hơn của Torah. Löw gọi đó là "trí tuệ cao hơn" (שכן עליון).[19]

Löw nhấn mạnh giá trị của sự trung thực và thẳng thắn. Cùng một số quan điểm khác, điều này dẫn ông đến việc chỉ trích phương pháp pilpul phổ biến tại các chủng viện đương thời. Ông thậm chí còn đề nghị nên tránh học bình giải của các nhà tosafot cho đến khi đạt đến trình độ hiểu biết cao nhất định.[19]

Giống như Yehudah Halevi, ông tập trung vào phân biệt vật chất với tinh thần, coi người Do Thái sở hữu bản chất tâm linh cơ bản khiến họ khác biệt với phần còn lại trên thế giới.[16]

Dù quen thuộc với Kabbalah nhưng Löw không tán thành các truyền thống thần bí Do Thái.[16]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Jehuda Löw ben Becalel https://www.worldcat.org/oclc/122864700 https://hebrewbooks.org/pdfpager.aspx?req=15614&st... https://www.hebrewbooks.org/21875 https://yhb.org.il/shiurim/%D7%94%D7%9E%D7%94%D7%A... http://english.israelphilately.org.il/series/conte... https://web.archive.org/web/20110721144139/http://... https://www.nytimes.com/2009/05/11/world/europe/11... http://www.loebtree.com/maharal.html http://torah.org/learning/maharal/archives.html https://www.wikidata.org/wiki/Q363513#identifiers